Thay vì khởi đầu và tập trung phát triển sự nghiệp ở thành phố lớn như những kiến trúc sư cùng thời, KTS Đoàn Thanh Hà lại lựa chọn tự thử nghiệm / thực hiện những công trình nhỏ dành cho vùng thiên tai, vùng sâu xa đi lại khó khăn mà thậm chí không được chi trả chi phí thiết kế.

Những tác phẩm nổi bật của anh như “Vườn vệ sinh”, “Tổ ấm nở hoa”, “Nhà tre nổi”... đều hướng đến cộng đồng dễ bị tổn thương trong xã hội, giúp họ giải quyết vấn đề liên quan đến nhu cầu cơ bản của con người nhưng chưa được đáp ứng. Có lẽ đó là lý do tại sao tên tuổi của KTS Đoàn Thanh Hà luôn gắn liền với quan điểm “kiến trúc vị dân sinh”, tạo ra những không gian “của dân, do dân và vì dân”, bù đắp những khoảng trống mà “kiến trúc chính thống” thường bỏ qua. 

Tổ ấm nở hoa

Vườn vệ sinh (Trường Sơn Lập, xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam)

Tổ ấm nở hoa

Vườn vệ sinh (Trường Sơn Lập, xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam)

KTS Đoàn Thanh Hà tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2002 và được biết đến với vai trò là Nhà sáng lập & Kiến trúc sư trưởng tại H&P Architects từ năm 2009. 

Đoàn Thanh Hà là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên thắng giải Turgut Cansever 2020 do Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) chứng thực. Anh cũng từng nhận khoảng 50 giải thưởng danh giá trong nước lẫn quốc tế cho các công trình và đồ án kiến trúc, trong đó có Giải thưởng Kiến trúc lục địa Á Âu 2ACAA 2018, Giải thưởng Quốc tế Reddot Award 2018, Giải thưởng Kiến trúc quốc tế IAA 2018, Giải thưởng Quốc tế Architizer A+ 2018, Huy chương Vàng Kiến trúc lục địa Á Âu 2ACAA 2017, Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam 2017-2018… 

KTS Đoàn Thanh Hà tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2002 và được biết đến với vai trò là Nhà sáng lập & Kiến trúc sư trưởng tại H&P Architects từ năm 2009. 

Đoàn Thanh Hà là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên thắng giải Turgut Cansever 2020 do Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) chứng thực. Anh cũng từng nhận khoảng 50 giải thưởng danh giá trong nước lẫn quốc tế cho các công trình và đồ án kiến trúc, trong đó có Giải thưởng Kiến trúc lục địa Á Âu 2ACAA 2018, Giải thưởng Quốc tế Reddot Award 2018, Giải thưởng Kiến trúc quốc tế IAA 2018, Giải thưởng Quốc tế Architizer A+ 2018, Huy chương Vàng Kiến trúc lục địa Á Âu 2ACAA 2017, Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam 2017-2018… 

TÌM THẤY LÝ TƯỞNG
SAU NHIỀU LẦN KHỦNG HOẢNG

Xin chào KTS Đoàn Thanh Hà! Điều gì khiến anh bén duyên với nghề kiến trúc sư và theo đuổi ngành nghề này đến tận bây giờ?

Khi còn đi học, tôi không thể hiểu được môn Hóa. Toán, Lý thì trung bình. Thi vào khối A mà không biết Hóa là không thể. Nhưng đổi lại, tôi bập bõm vẽ được chút ít, chẳng còn sự lựa chọn nào khác nên tôi đành học vẽ để thi vào hai trường Đại học Kiến trúc và Đại học Xây dựng. 

Tôi không hề có khả năng thiên bẩm hay tài năng đặc biệt. Thậm chí đến sát ngày thi đại học mới biết các bạn ở Hà Nội vẽ tượng bằng bút chì vót nhọn, còn tôi ở Bắc Giang lại được hướng dẫn bằng bút chì kim. Điểm thi đầu vào của tôi cũng chỉ suýt soát vừa đủ để đỗ. 

Ngày đó, anh hình dung về nghề kiến trúc sư như thế nào?

Tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục vẽ tượng khi học đại học. Thậm chí khi được học máy tính và tiếp xúc với phần mềm Autocad ở năm thứ hai, tôi vẫn nghĩ rằng mình sẽ dùng con chuột máy tính để vẽ tượng. Mãi đến năm thứ tư, tôi mới lờ mờ hiểu hơn chút.

Vậy điều gì khiến anh từ một người mơ hồ về KTS trở thành một trong những KTS nổi tiếng nhất Việt Nam?

Đơn giản là sự cố gắng và tìm kiếm cơ hội không mệt mỏi, vậy thôi. Kiến trúc không có thần đồng. Có lẽ là may mắn, tôi có một nghề mà mình cảm thấy hứng thú. Dù để đạt được cái ngưỡng hứng thú đó thì cũng phải trải qua rất nhiều loại cảm xúc, hy vọng kèm theo thất vọng.

Cụ thể hành trình đó của anh như thế nào?

Năm 2009, tôi và KTS Trần Ngọc Phương cùng thành lập H&P Architects. Chúng tôi mở văn phòng ở Quận Thanh Xuân và hướng vào các cuộc thi trong nước. 

Tôi rất hiểu là các cuộc thi ở Việt Nam khi ấy sẽ luôn không có giải nhất nên không hy vọng thi để giành được hợp đồng thiết kế - mà quan trọng là cứ có giải thưởng thì sẽ có một khoản tiền để bù cho chi phí vận hành.

Tuy nhiên, sau một năm (2010), văn phòng phải đóng cửa vì không hiệu quả. Năm tiếp theo (2011) rất mơ hồ và là khoảng thời gian khủng hoảng thực sự với cá nhân tôi: không có việc làm rõ ràng, có vấn đề về sức khỏe và nghiêm trọng nhất là mất niềm tin vào suy nghĩ của bản thân, vào ý nghĩa và sứ mệnh của nghề Kiến trúc mà mình đã chọn - khi không thấy có cơ hội nào để hiện thực hóa những ý tưởng mình theo đuổi, để kiểm chứng những giải pháp mà mình nghiên cứu. Sáng tạo có phải là yếu tố quyết định? Lãng mạn liệu có viển vông không? Nhân văn thì cần thiết cho ai?

Mọi việc dần dần cũng đỡ căng thẳng hơn khi chúng tôi có được một số cơ hội thực tế ở Hà Tĩnh (2012) – quê nhà Phương.

Năm 2013 là cột mốc quyết định khi tôi cùng những người bạn hồi đại học đồng tâm hiện thực hóa dự án “Tổ ấm Nở hoa” -  được tôi ấp ủ trước đó năm năm (2008).

Sau công trình khởi nghiệp này, định hướng làm kiến trúc của tôi cũng rõ ràng và nhất quán hơn.

KIẾN TRÚC SƯ CẦN TỰ Ý THỨC  
VỀ VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM VỚI XÃ HỘI

Nhiều người cho rằng làm kiến trúc dễ và không cần đến KTS khi thiết kế nhà. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

Sự coi trọng dành cho KTS ở những nước phát triển phần lớn dựa trên ý thức xã hội và nền tảng kiến thức chung của xã hội đó khá đồng đều. Ở nước ta, lâu nay người dân vẫn tự làm nhà và nghề KTS chỉ mới có cách đây gần 100 năm nên cũng không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng “làm kiến trúc dễ”. Điều này dẫn đến quan điểm “không cần”- thậm chí coi nhẹ vai trò của KTS. Dù sao, KTS vẫn cần “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, quan trọng là KTS dù ở vị trí nào cũng cần hiểu rõ trách nhiệm của mình. Đồng thời luôn cần tự nâng cấp bản thân để xứng đáng với những gì mình được ghi nhận.

Trách nhiệm mà anh đang nói đến chính xác là gì?

Trước hết, KTS luôn có trách nhiệm với công việc của mình và họ được trả tiền cho trách nhiệm đó. 

Nhìn rộng hơn, KTS cần có trách nhiệm với xã hội, với những vấn đề mà xã hội đang và sẽ đối mặt, vì tương lai của một môi trường sống nhân văn và bền vững. Khi KTS hình dung rõ câu chuyện đó, họ tự khắc sẽ có những hành động phù hợp.

Công viên Mỏ Mạo Khê

Cái tổ Ngói

Nhà tre nổi

Trong trường hợp KTS còn quá non trẻ, làm thế nào để họ thuyết phục được chủ nhà và thực hiện được trách nhiệm của mình?

Chẳng còn cách nào khác ngoài việc cố gắng chứng minh hết cỡ theo sự hiểu của mình. Khi phân tích điều gì đó, hãy chân thành, trung thực, và luôn ý thức mình đang làm điều tốt nhất cho chủ nhà trên cơ sở suy nghĩ kỹ về những điều họ mong muốn.

Đến thời điểm hiện tại, anh đã đạt được nhiều thành tích đáng nể và có địa vị vững chắc trong nghề. Anh đã cảm thấy hài lòng chưa và có đặt mục tiêu gì cho tương lai không?

Thực ra, KTS nào cũng muốn tạo ra những công trình có tầm ảnh hưởng, dù công trình đó được công bố rầm rộ hay chỉ âm thầm hiện hữu. Sự ảnh hưởng tôi nói tới ở đây là ảnh hưởng tới người sử dụng, tới xã hội, chứ không đơn thuần là câu chuyện quy mô. 

Bản thân tôi vẫn đang chắt chiu từng cơ hội để có thể hiện thực hóa những công trình như vậy trong tương lai. 

Cảm ơn KTS Đoàn Thanh Hà vì những chia sẻ chân thành và thực tế với độc giả Happynest.

Chúc anh nhiều sức khỏe và luôn gặt hái thành công trong sự nghiệp kiến trúc của mình! 

Bài viết: Phương Thảo

Thiết kế: Happynest

Bài viết: Phương Thảo

Thiết kế: Happynest