Kiến trúc sư (KTS) là ngành nghề ngày càng có triển vọng và vị thế trong tương lai. Tuy nhiên, thời điểm đầu những năm 2000, việc trả tiền cho chi phí chất xám trong thiết kế vẫn còn là khái niệm nào đó rất xa lạ với các gia chủ Việt.
Trong một buổi hẹn với KTS Trần Lê Quốc Bình cách đây không lâu, Happynest đã có dịp lắng nghe anh Bình chia sẻ về hành trình 20 năm làm nghề, từ thời điểm cụm từ “kiến trúc sư” còn rất mới mẻ, cho đến khi tư duy về nghề kiến trúc của người Việt dần chuyển hướng và có sự thay đổi một cách rõ ràng.
KTS Trần Lê Quốc Bình là Giám đốc kiêm Thiết kế chính của QBI Corp. Anh đóng vai trò thiết kế, tư vấn hơn 100 dự án tại các đô thị và một số dự án nhượng quyền tại Việt Nam. Bên cạnh việc làm nghề, KTS Quốc Bình còn tham gia giảng dạy một số chương trình của các trung tâm và chuyên đề của các trường đại học, cộng tác và tư vấn với các tạp chí, chương trình truyền hình trong nước.
KTS Trần Lê Quốc Bình là Giám đốc kiêm Thiết kế chính của QBI Corp. Anh đóng vai trò thiết kế, tư vấn hơn 100 dự án tại các đô thị và một số dự án nhượng quyền tại Việt Nam. Bên cạnh việc làm nghề, KTS Quốc Bình còn tham gia giảng dạy một số chương trình của các trung tâm và chuyên đề của các trường đại học, cộng tác và tư vấn với các tạp chí, chương trình truyền hình trong nước.
KHỞI ĐẦU
TỪ CON SỐ 0
Xin chào anh Bình! Kiến trúc sư là ngành nghề thú vị, nhưng chắc chắn là khá “gian nan”, đặc biệt là thời điểm cách đây 20 năm. Vậy lý do nào đã khiến anh bén duyên với nghề nghiệp này?
Thực ra tôi vốn không có ý định làm KTS vì môn học yêu thích của tôi là môn văn. Nhưng vào năm lớp 12, trong một lần đi ngang qua Trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM, tôi tình cờ thấy một nhóm sinh viên băng qua đường. Lúc đó trời mưa rất lớn, nhưng các sinh viên này không lấy áo mưa để che người mà họ dùng để quấn quanh các bản vẽ. Hình ảnh này để lại ấn tượng rất lớn trong tôi và bắt đầu khiến tôi có thiện cảm với kiến trúc.
Hồi nhỏ, tôi sống với 2 gia đình, ở chung một căn nhà chỉ hơn 50m2 trong một khu phố bụi bặm. Lúc đó tôi nghĩ tại sao mọi người và bản thân mình phải sống khổ thế? Liệu có làm được gì tốt hơn cho không gian sống của họ không? Ý nghĩ đó cũng là bước ngoặt để tôi quyết định học kiến trúc và dấn thân với ngành này cho tới tận bây giờ.
Anh đã bắt đầu sự nghiệp kiến trúc của mình với những công trình như thế nào?
Lúc đầu tôi nhận thiết kế những căn nhà nhỏ thôi, cũng có một số căn lớn nhưng đa phần là nhà nhỏ, với diện tích bé xíu và chủ yếu là dưới 50m2. Nhưng đó cũng đúng là điều tôi muốn.
Sau khoảng bao lâu thì lượng khách hàng của anh tăng dần? Và yếu tố nào đã giúp anh đạt được điều đó?
Tôi thấy trong khoảng 2-3 năm là tôi có rất nhiều khách. Nhưng thực ra tôi không đặt mục tiêu gì cả. Tôi chỉ chuyên tâm tạo ra sản phẩm, và sản phẩm tự nó lan truyền. Khách hàng của tôi chủ yếu là những người đã nhìn qua những sản phẩm đó và họ cảm thấy thích thú rồi họ mới tìm đến tôi.
Anh bắt đầu làm nghề với những căn nhà nhỏ, nhưng hiện tại những công trình thực hiện bởi QBI Corp đa phần là các dự án lớn. Làm thế nào để tăng diện tích dự án nếu khách hàng trước đó của anh chỉ quan tâm đến nhà nhỏ?
Nếu tôi làm tốt và tạo ra không gian khiến khách hàng hài lòng, bản thân khách hàng đó cũng sẽ tốt lên qua năm tháng. Giờ họ làm nhà nhỏ, nhưng sau này việc kinh doanh của họ phát triển, gia đình họ lớn hơn, họ sẽ lại tìm đến tôi để xây một căn nhà lớn hơn.
Tôi có người khách hàng mà lúc đầu tôi làm cho họ căn hộ 50m2, giờ họ đặt tôi làm công trình mấy ngàn m2. Đôi khi không phải do bản thân tôi mà chính khách hàng cho tôi niềm tin rằng tôi có khả năng làm được những dự án lớn. Có lúc tôi nói “cái này lớn quá, em chưa chuẩn bị và chưa có kinh nghiệm”, nhưng khách bảo họ tin tôi sẽ làm tốt. Những lúc như vậy, tôi nghĩ mình phải cố thêm một chút, và cứ bắt đầu thì dần dần cũng sẽ đến đích.
Tức là chỉ cần làm tốt, KTS sẽ có khách? Và chủ đầu tư chính là động lực của KTS?
Vào thời kỳ của tôi thì chính xác là như vậy. Tất cả những khách hàng tôi có đều là do khách hàng cũ giới thiệu. Có những gia đình, tôi làm cho họ đến căn nhà thứ 3, thứ 4, làm xong nhà cho bố mẹ thì làm đến nhà của 2 bên dâu, rể…
Tôi tin chắc rằng chỉ cần làm tốt, KTS nào cũng sẽ đông khách, và chắc chắn thành công của KTS cũng không dừng lại, ở tất cả khía cạnh, kể cả về mặt diện tích và khối tích của một công trình.
VỮNG VÀNG
SAU 20 NĂM LÀM NGHỀ
Nếu khách hàng đã liên tục tìm đến anh, tức là công trình của anh hoàn thành rất đúng ý họ. Việc hiểu ý chủ nhà là điều nói thì dễ nhưng làm thì khó. Anh đã trao đổi với chủ nhà như thế nào để đạt được sự hiểu ý này?
Những công ty khác thường sẽ có biểu mẫu để hỏi khách hàng, họ sẽ điều phối một bạn nhân viên phòng sale hoặc phòng chăm sóc khách hàng để tiếp xúc và lấy ý kiến trước. Còn tôi đa phần đều sẽ hẹn gặp trực tiếp. Vì cảm giác của tôi khi gặp khách hàng rất quan trọng, tôi sẽ cần hỏi rất nhiều chi tiết về thói quen sinh hoạt, sở thích cá nhân... Mỗi người khách hàng đều có câu chuyện, có ước mơ riêng, và nhiệm vụ của tôi là phải khai thác được điều đó.
Một trong những điều cực kỳ quan trọng mà tôi cần biết đó là thời gian và chi phí khách hàng dành cho công trình, vì mỗi nét vẽ đều liên quan đến vấn đề tài chính. Khi tôi đã nắm được ngân sách khách dự tính cho công trình này, tôi sẽ biết cần thiết kế thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất trong khuôn khổ ngân sách mà họ có. Nhưng đến cuối cùng, để mọi việc suôn sẻ thì đòi hỏi nhiều nhất là kinh nghiệm và trải nghiệm của người làm nghề.
Thế nhưng đa phần khách hàng của anh đều là những người xa lạ. Anh làm thế nào để khiến họ thoải mái chia sẻ với anh những thông tin cá nhân mang tính riêng tư, đôi khi có thể là nhạy cảm?
Câu hỏi rất hay! Trên thực tế, tôi đã gặp những trường hợp làm nhà cho vợ chồng, nhưng thực ra họ không ngủ chung, họ sẽ cần 2 cái giường tách rời nhưng họ không bao giờ nói ra điều đó với KTS. Tuy nhiên, nếu thực sự quan tâm và tiếp xúc với họ đủ nhiều, tự nhiên mình sẽ nhận ra những cái tế nhị đó. Và mình sẽ “chạm” được điểm đó không phải trong buổi gặp đầu tiên, mà trong cả quá trình trao đổi, làm việc với họ.
Điều này đòi hỏi sự nhạy cảm, cần trải nghiệm nhiều. Càng làm và tiếp xúc nhiều, tôi càng hình thành khả năng “rà sóng” tốt hơn so với lúc trẻ. Đôi khi khách hàng không cần nói, tôi đã hiểu được ý họ rồi.
Trải nghiệm có thể tăng lên theo thời gian, nhưng sự nhạy cảm thì chưa chắc. Anh đã rèn luyện sự nhạy cảm của bản thân như thế nào?
Kỹ thuật thiết kế rất quan trọng với một KTS. Nhưng trong quá trình đi làm, tôi nhận ra môn học giúp tôi nhiều nhất là môn văn chứ không phải những môn về kỹ thuật.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, muốn làm thiết kế, muốn tiếp xúc với khách hàng và quản lý tốt công ty, thì EQ quan trọng hơn IQ. Và EQ có trong văn học rất nhiều.
Khi tiếp xúc với khách hàng, tôi giống như một người đi “rà sóng”, tôi cần phát hiện ra mình có cùng tần số với họ hay không bằng cách nói chuyện với họ. Trong quá trình đó, tự nhiên tôi sẽ gặp họ ở điểm nào đó, và tôi sẽ dùng điểm đó để đẩy lên thành thiết kế. Điều này có được nhờ tôi yêu thích văn học và đọc sách khá nhiều, và nó hình thành trong tôi sự nhạy cảm.
Có thể khách hàng nói rất lan man và nếu KTS không có đủ sự nhạy cảm, họ sẽ thấy rất nhiều chi tiết thừa thãi và bỏ qua nó. Nhưng nếu biết nắm bắt đúng chỗ, chạm được cảm xúc với câu chuyện của chủ nhà, KTS sẽ có “tài sản” riêng và lúc đó họ mới khai thác đủ để thành một sản phẩm thiết kế đúng ý khách hàng.
“Tôi ít tham gia các hội nhóm vì không rành về công nghệ, nhưng khi được tiếp xúc với Happynest, tôi cảm thấy khá
ngạc nhiên và thú vị, mục tiêu tạo nên một cộng đồng kiến trúc, xây dựng… hữu ích với những thông tin mở, minh bạch
được đội ngũ Happynest đặt lên hàng đầu”
- KTS Trần Lê Quốc Bình chia sẻ cảm nhận về Happynest -
TRUYỀN CẢM HỨNG
CHO THẾ HỆ TRẺ
Theo anh, như thế nào là một căn nhà đẹp? Và như thế nào là một căn nhà đáng sống? Cả hai có phải là một không?
Tôi nghĩ một căn nhà đẹp là một căn nhà hài hòa. Không những hài hòa với cái đẹp của người KTS mong muốn và chủ nhà mong muốn, mà nó phải hài hòa với môi trường xung quanh. Đối với tôi, một căn nhà đẹp nhưng nó đối chọi với không gian xung quanh hoặc nhà hàng xóm, hoặc không hòa hợp với thời tiết địa phương thì đó không phải là căn nhà đẹp.
Còn không gian để căn nhà đó đáng sống, đó là khi chủ nhà đã ở một thời gian và nói với tôi rằng dù đi đâu họ cũng chỉ muốn được trở về nhà. Đối với tôi, đó là sự công nhận lớn nhất.
Khi thiết kế, tôi cố gắng tạo ra không gian để gia chủ có thể tái tạo năng lượng. Không gian đó phải kích thích được sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình. Vì chỉ có sự tương tác mới có thể kết nối về mặt tình cảm một cách bền chặt.
Thế nào là một không gian tái tạo năng lượng?
Thân thuộc và dễ chịu, đó là một không gian mà người chủ nhà luôn muốn trở về. Những vật liệu thân thiện môi trường, trong nhà có những mảng xanh, có ánh sáng, có những khoảng thông khí…
Đó là những yếu tố rất cơ bản đem đến năng lượng cho gia chủ khi sinh hoạt hàng ngày.
Anh có thể nói rõ hơn về khái niệm vật liệu thân thiện không?
Với tôi, vật liệu thân thiện thứ nhất là những vật liệu có tính địa phương; thứ hai là loại vật liệu thân thuộc với gia chủ; thứ ba là những vật liệu đó không gây hao tổn năng lượng quá nhiều khi sản xuất; có thể tái chế hoặc không ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Đó là lý do tôi xài rất nhiều vật liệu như gạch bông, đá mài, ngói, mây, tre, lá… Và tôi luôn ưu tiên việc chế tác cho người thợ hoặc nghệ nhân địa phương.
Trong quá trình làm nghề, anh có đặc biệt ấn tượng với công trình nào không?
Chắc chắn đó là công trình tôi nhận làm đầu tiên lúc mới ra trường. Nói là ấn tượng vì công trình đó tôi vừa thiết kế, vừa thi công và hoàn tất bàn giao từ A-Z cho chủ nhà. Căn nhà đó tôi làm một khoảng thông tầng với giếng trời rất lớn, nơi đó có những cánh diều rơi xuống rất đẹp.
Quan trọng hơn cả, công trình này vô tình khiến con gái của anh chị chủ nhà bắt đầu đam mê kiến trúc. Sau này, dù cô bé đó đã đi học 2 năm ở trường Y theo mong muốn của bố mẹ, nhưng cuối cùng vẫn quyết định chuyển hướng sang học kiến trúc và có xin vào QBI Corp thực tập. Tôi không hề biết đó là con gái của anh chị khách hàng cũ, và vẫn luôn cảm thấy điều này giống như một vòng tròn lặp lại của cuộc sống. Đó là lý do tôi luôn nhớ về căn nhà này.
“CHỨNG NHÂN”
CHO SỰ CHUYỂN
DỊCH TRONG
TƯ DUY KIẾN TRÚC
CỦA NGƯỜI VIỆT
Trong suốt 20 năm tiếp xúc với khách hàng, anh thấy có điều gì thay đổi trong tư duy của người Việt về nghề KTS không?
Nhiều lắm, tôi nghĩ là thay đổi rất nhiều. Hồi xưa đi làm, người ta mặc định không cần trả tiền cho chất xám về mặt thiết kế. Họ nghĩ xây nhà chỉ cần một ông thầu, và thầu xây dựng thì người ta đâu có tính tiền thiết kế đâu. Hoặc nếu có thì nó cũng là chi phí cực kỳ thấp. Về sau, người Việt dần cảm thấy tư duy chất xám về mặt thiết kế rất quan trọng, và họ bắt đầu chi tiền để đổi lại điều này.
Thêm nữa, người Việt hồi xưa xây nhà không phải chỉ cho hiện tại, mà họ nghĩ cho một đoạn đường rất dài. Họ nghĩ xây nhà sao để sau truyền lại cho con cái, để kinh doanh, để cho thuê… Rất nhiều mong muốn gộp chung vào để xây một công trình.
Tới thời điểm hiện tại, yêu cầu thiết kế của người Việt dần chuyển biến rõ rệt và mang tính cá nhân nhiều hơn. Các bạn trẻ bây giờ biết rõ họ thích gì và cần gì, họ cụ thể những điều đó và luôn muốn cá nhân hóa về mặt thiết kế.
Và điều này chỉ xảy ra trong lĩnh vực thiết kế nhà ở hay còn lĩnh vực nào khác?
Không chỉ lĩnh vực thiết kế nhà ở, tôi còn thấy rõ nhất sự chuyển dịch này trong lĩnh vực khách sạn. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tất cả những người kinh doanh khách sạn lưu trú không còn ai làm thiết kế kiểu cũ nữa.
Trước đó, các khách sạn tư nhân khoảng 3-4 sao ở Sài Gòn gần như cái nào cũng giống nhau. Chủ đầu tư chỉ nhờ KTS vẽ mặt bằng, còn nội thất tự đi mua ở Quảng Châu về và đặt vào. Họ nghĩ như vậy là tiết kiệm và đã đủ tốt trong thời điểm đó.
Bản thân tôi rất muốn thay đổi tư duy này. Tôi cho rằng khách sạn muốn kinh doanh được lâu dài, thì không chỉ đơn giản là bán cái phòng ngủ, mà phải bán được cho khách hàng sự trải nghiệm và câu chuyện. Lúc đó, tôi nhận thiết kế một khách sạn với chi phí rất thấp, khách sạn 3 sao nhưng mang lại trải nghiệm như 4 sao, quan trọng là khách sạn phải có một concept rõ rệt bắt nguồn từ một câu chuyện mang đặc tính địa phương. Hiệu quả kinh doanh của khách sạn này sau đó tăng lên rõ rệt. Và thành công đó cũng góp phần khiến những người trong ngành thay đổi cực nhanh. Họ hiểu là muốn bán được phòng, họ cần bán thêm những giá trị khác.
Anh đã làm nghề suốt hơn 20 năm. Tới thời điểm hiện tại, anh hoàn toàn có lợi thế để chọn một nghề khác nhàn nhã hơn nghề KTS, nhưng anh không làm thế. Lý do nào giúp anh giữ lửa với nghề lâu như vậy?
Tôi làm nghề từ năm 2001, đến giờ đúng là đã hơn 20 năm rồi. Tôi có thể làm nhiều thứ khác như giảng dạy, viết báo, làm sự kiện… Tôi cũng rất thích những thứ đó nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đó là công việc chính của mình hết.
Việc chính của tôi là làm thiết kế. Tại sao tôi dám chắc như vậy? Vì tôi luôn cảm thấy lúc vui nhất là khi tôi được ngồi vẽ thiết kế (cười lớn). Những thứ kia cũng vui, nhưng chỉ là niềm vui thoáng chốc, tôi hiểu rõ tôi không thể yêu nó hoài được.
Quan trọng nhất khi làm nghề, đó là duy trì cảm xúc. Tôi cảm thấy tôi còn yêu nghề thì đó chính là duy trì cảm xúc. Ngày nào tôi còn có cảm xúc này thì ngày đó tôi vẫn còn là người làm nghề.
Cảm ơn KTS Trần Lê Quốc Bình vì những chia sẻ chân thành và thực tế với độc giả Happynest. Chúc anh nhiều sức khỏe và luôn gặt hái thành công trong sự nghiệp kiến trúc của mình!
Bài viết: Phương Thảo
Thiết kế: Happynest